Hiệu ứng tâm lý đè nặng thị trường ngoại tệ
Tỷ giá “chợ đen” thay đổi từng giờ, trong ngân hàng cũng nóng không kém, khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lại được phen đau đầu với bài toán đôla.
>>Thông tin ngân hàng habubank nợ nần là sai lệch
>>Thông tin ngân hàng habubank nợ nần là sai lệch
Cuối ngày 18/10, các giao dịch thành công trên thị trường liên ngân hàng chốt giá tới 19.870 đồng và đến sáng 19/10 đã vượt ngưỡng 19.990 đồng, cao hơn 490 đồng so với mức trần quy định.
Trên thực tế, giao dịch trong ngân hàng không đột biến, song tâm lý chung trên thị trường đều hướng tới khả năng tỷ giá còn tăng cao nữa. Vì thế, tình trạng các tổ chức có nguồn thu ngoại tệ găm giữ trên tài khoản lại tái diễn.
Ngoại tệ tiếp tục là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà |
Một ngân hàng lớn đã liên tục đánh tiếng với Ngân hàng Nhà nước đề nghị cung ứng ngoại tệ. Nhà băng này có nhiều khách hàng là doanh nghiệp xăng dầu, điện, với đơn hàng nhập khẩu lên tới vài trăm triệu USD. "Đây không phải là những mặt hàng nằm trong danh mua được ưu tiên cung ứng ngoại tệ, nhưng chúng tôi cũng không dám bán cho họ cao hơn giá thị trường. Trong khi bản thân chúng tôi cũng không xoay đâu ra mức giá theo trần quy định hiện nay", vị cán bộ phụ trách kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng này than thở.
Hiện nay, các ngân hàng vẫn niêm yết tỷ giá ở mức kịch trần 19.500 đồng, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá giao dịch thực tế không thấp hơn thị trường tự do bao nhiêu.
Giám đốc một công ty Xuất nhập khẩu ngành nhựa tại Khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cho biết, ngày hôm qua anh phải mua USD tại một ngân hàng cổ phần lớn với giá 19.880 đồng một USD. Hiện nay, phần chênh lệch so với giá niêm yết sẽ được nhà băng hạch toán thành phí dịch vụ chuyển tiền. Thay vì trước đây, phí này chỉ khoảng 0,3% thì giờ lên đến 1,7%, có nơi ấn định 2% (tương đương gần 400 đồng một USD).
"Hồi sáng, tôi đến ngân hàng mua 10.000 USD được nhà băng ấy tính giá niêm yết 19.500 đồng. Tuy nhiên, giá thực trả sau khi cộng phí 2% thì vọt lên 19.900 đồng. Với mức giá này thì đã gần ngang bằng với thị trường tự do", anh nói.
Cũng theo ông này, với mức giá cao như vậy, nhưng việc mua USD cũng không dễ dàng. "Chỉ có quen biết mới mua được, còn không phải chờ đợi, xét duyệt rất lâu", ông cho biết.
Có trường hợp, người trực tiếp nhận trách nhiệm mua USD cho công ty vì những nguyên nhân bất đắc dĩ đã phải tự bỏ tiền túi ra bù vào khoảng chênh lệch. Trưởng phòng của một công ty xuất nhập nhập khẩu ngành dệt may tại quận Tân Bình than thở, vì muốn tìm sự tín nhiệm của sếp và lỡ nói là quen biết thân tình với các ngân hàng nên sẽ mua được USD giá rẻ. Do đó, anh đã nhiều lần phải bỏ tiền túi ra để bù vào khoảng chênh lệch giữa giá mua USD hạch toán trong hóa đơn với giá thực tế giao dịch. "Cũng may nhu cầu mua USD của công ty không nhiều, một lần chỉ vài nghìn USD chứ không thì tiền lương hằng tháng chắc không còn", anh bộc bạch.
Đứng ngồi không yên trong cảnh tỷ giá USD leo thang từng ngày, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, thiết bị tin học… cho biết đang “không biết tính sao” trong cảnh khó khăn về ngoại tệ. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị văn phòng cho biết đang phải khất nợ đối tác nước ngoài vì không thể cắn răng mua ngoại tệ vào thời điểm này.
“Mỗi lần chuyển trả, tôi chỉ mua vài chục đến một trăm ngàn USD là cùng. So với các doanh nghiệp khác thì số tiền này không lớn nên ngân hàng nói có thể đáp ứng nếu trả phí. Nhưng nếu trả thêm phí thì chẳng khác nào mua ngoài chợ đen. Mà khoản phí này lại không được tính vào sổ sách”, đại diện doanh nghiệp này than thở.
Tình hình thậm chí còn khó khăn hơn với các công ty nhập khẩu ôtô khi lượng ngoại tệ mà các doanh nghiệp này phải chuyển trả mỗi lần có thể lên tới cả triệu USD. “Chúng tôi giờ chỉ biết nằm im theo dõi giá tỷ giá chứ chưa dám nhập thêm xe mới trong hoàn cảnh này”, anh Tâm, giám đốc một công ty kinh doanh xe hơi tại TP HCM cho biết. Ôtô là mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu, các ngân hàng cũng không dám xông xênh cung ứng cho đối tượng này.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho hay đợt sốt giá hiện nay chủ yếu do tác động của giá vàng và tâm lý găm giữ của những doanh nghiệp có nguồn thu, chứ toàn hệ thống vẫn đang dương 250-300 triệu USD. Trên thực tế, khi từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương kết hối một phần với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước (buộc các doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng), tình trạng găm giữ trên tài khoản vẫn còn phổ biến với những doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc phải bán. Lượng tiền còn tồn trên tài khoản cũng cỡ vài tỷ đôla.
"Hiện tại không có quy định nào điều chỉnh hành vi đó, nên họ giữ tiền không kỳ hạn trên tài khoản cũng là một cách suy tính của họ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang cân nhắc để có sự điều chỉnh cho hợp lý", vị quan chức nói.
Một số chuyên gia e ngại trạng thái ngoại tệ dương cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Theo quy định được ban hành và vẫn áp dụng nhiều năm nay, tổng trạng thái ngoại tệ dư thừa (hoặc dư thiếu) cuối ngày không được vượt quá 30% vốn tự có của tổ chức tín dụng. "Với tỷ lệ 30% này, các ngân hàng có quyền găm giữ trên hệ thống với tổng ngoại tệ lên đến nhiều tỷ USD. Và họ hoàn toàn có thể đầu cơ, làm nhiễu thị trường nếu muốn", Trưởng phòng Nguồn vốn của một ngân hàng quy mô lớn lo ngại. Tuy nhiên, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay, chưa bao giờ trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng dương quá 10%. Vì vậy, khả năng các ngân hàng găm giữ, đẩy giá lên cao chưa xảy ra. |
Kỳ Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét