BIDV chậm niêm yết và những hệ lụy
Nếu cổ đông dùng vốn vay để mua cổ phiếu lúc IPO thì doanh nghiệp càng lâu niêm yết, áp lực xả hàng càng lớn.
>>BIDV đăng ký niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu
>>thông tin habubank nợ nần là sai lệch
Tháng trước, khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán cũng như nộp hồ sơ niêm yết tại HOSE, nhà đầu tư đã tin chắc ngân hàng này sẽ chính thức chào sàn trong tháng 6. Vì thế nhiều người bất ngờ trước thông tin BIDV sẽ hoãn niêm yết đến quý III.
Như vậy, những người đã tham gia đấu giá BIDV trong đợt IPO từ cuối năm ngoái sẽ phải tiếp tục ôm thêm cổ phiếu này một thời gian nữa, đồng nghĩa với việc vốn sẽ tiếp tục bị chôn.
Do vậy thời điểm hiện nay ai đang giữ BIDV và muốn bán trên thị trường OTC không phải là chuyện dễ. Năm ngoái, gần 84,8 triệu cổ phiếu của BIDV đã được bán ra bên ngoài với giá bình quân 18.583 đồng một cổ phiếu, tương ứng với số tiền thu về khoảng 1.575 tỷ đồng.
Nhưng do BIDV chưa lên sàn, nên dòng tiền này không thể bổ sung lên thị trường. Riêng với BIDV, hệ lụy không chỉ dừng ở mức này mà còn có nhiều điều đáng bàn.
Cả 3 ngân hàng TMCP được Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối, gồm Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV, khi tiến hành lên sàn đều không trúng thời điểm thuận lợi.
VCB và CTG niêm yết vào năm 2009, năm thị trường phục hồi khá mạnh. Nhưng giai đoạn cuối quý II, đầu quý III - thời điểm VCB và CTG chào sàn HOSE thì thị trường lại đang ở “quãng nghỉ” sau một giai đoạn tăng mạnh.
Chưa kể mức giá niêm yết của VCB lúc đó chỉ 5.0, chưa bằng một nửa mức giá bình quân gần 10.8 trong đợt IPO năm 2007. Còn theo lời của lãnh đạo CTG, mức giá chào sàn 5.0 của CTG lẽ ra có thể cao hơn. Trong 2 tháng gần đây, thị trường chứng khoán diễn biến thiếu sức sống khiến không ít nhà đầu tư chán ngán. Nói như vậy để thấy rằng việc chọn thời điểm “đẹp” để lên sàn rất quan trọng nhưng cũng không đến mức bị lệ thuộc.
Nếu giả sử tháng 6 này BIDV niêm yết, quãng thời gian từ khi IPO đến niêm yết mất khoảng 6 tháng, trong khi VCB lên đến 18 tháng.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng BIDV niêm yết sau VCB và CTG sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc học hỏi những kinh nghiệm nên việc chủ động niêm yết nhanh cũng là lẽ thường tình. Và nếu đã rút được kinh nghiệm, BIDV phải có kế hoạch, lộ trình chỉn chu hơn, không nên đẩy cổ đông và cả chính mình vào thế khó.
Thực tế, việc BIDV hoãn niêm yết đến quý III vẫn đúng lộ trình đưa ra trong đợt IPO cuối năm ngoái là sẽ niêm yết không muộn hơn quý III. Nhà đầu tư tham gia đấu giá BIDV ban đầu ắt hẳn cũng xác định được mốc thời điểm có thể thanh toán cho khoản đầu tư của mình trễ nhất vào ngày 30/9.
Nhưng sự khẩn trương của BIDV rốt cuộc lại gây ra ít nhiều thất vọng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu BIDV cứ từ từ và niêm yết đúng hẹn vào quý tới hiệu ứng sẽ tốt hơn, thay vì công bố niêm yết sớm, nay lại điều chỉnh xuống thành đúng hẹn.
Không sai hẹn so với ban đầu nhưng rõ ràng BIDV ít nhiều cũng khiến nhà đầu tư thất vọng, bởi lẽ đây là ngân hàng lớn và ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT, cũng được tiếng là mạnh mẽ, dám nói dám làm.
Tại đại hội cổ đông của BIDV diễn ra cách đây 3 tháng, ông Trần Bắc Hà có nhắc đến khả năng giá chào sàn của BIDV không thấp hơn giá đấu bình quân của đợt IPO. Nếu khả năng này xảy ra, mức giá chào sàn thấp nhất của BIDV sẽ ở khoảng 27.500-28.000 đồng. So giá của CTG và VCB - những ngân hàng cùng tầm vóc với BIDV - sẽ có nhiều kịch bản khác nhau. Nếu BIDV chào sàn lúc này, giá chào sàn sẽ cao hơn CTG (hiện 2.1) và xấp xỉ VCB (hiện 3.0).
Trong một thị trường không có diễn biến thuận lợi, việc nhà đầu tư có thể định giá hợp lý cho BIDV không đơn giản. Bởi giữa cổ phiếu mới chưa rõ vùng giá và một cổ phiếu quen đã nắm bắt đầy đủ, cổ phiếu mới có thất thế cũng là điều dễ hiểu. Tâm lý này có thể lan sang những người nắm giữ và dẫn đến suy nghĩ “bán ra cầm tiền cho chắc”.
Đặt ra một kịch bản xấu nhất là nếu BIDV chào sàn ngày đầu (trong giai đoạn hiện nay) và giảm sàn luôn (theo quy định của HOSE ngày đầu chào sàn được phép biến động 20%), mức giá đáy sẽ về khoảng 2.2, chỉ tương đương CTG chứ chưa rẻ hơn.
Nhà đầu tư thường hay so thị giá cổ phiếu ngân hàng, bởi trong nhiều thời điểm ngân hàng có vị thế lớn sẽ có thị giá cao và ngược lại. Với kịch bản xấu vừa nêu, lúc này cả bên mua lẫn bên bán đều gặp khó, bên bán giữ cổ phiếu từ khá lâu nhưng lãi 20% bán không đành, giữ lại thì sợ cổ phiếu xuống nữa khi thị trường xấu. Ngược lại bên mua cũng sẽ lừng khừng tại mức giá này.
Ở đây, có thể khối ngoại cũng ra tay mua vào. Tuy nhiên, nhìn vào trường hợp của GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam), khối ngoại mua vào rất nhiều, nhưng mua rất nhẹ nhàng, thay vì đẩy giá. Vì thế, dù khối này có mua BIDV cũng không phải là cơ sở để cổ phiếu này tăng giá.
Nhưng liệu BIDV có chắc rằng thị trường những quý tới có thể “bùng” như cuối quý I và đầu quý II. Và giả sử thị trường có tốt trở lại cũng chưa chắc nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi có lợi cho BIDV. Trong khi càng lâu niêm yết, hình ảnh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng trong mắt cổ đông và cổ đông càng thiệt thòi hơn.
Chưa kể trong trường hợp cổ đông sử dụng vốn vay để tham gia IPO - điều khá bình thường nếu kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn lãi suất vay và mua cổ phiếu tốt - thì doanh nghiệp càng lâu niêm yết, áp lực xả hàng càng lớn và giá cổ phiếu có thể bị “đè” một cách thái quá.
(Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét