Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

'Rủi ro lớn nhất của tái cơ cấu ngân hàng là trì hoãn'

'Rủi ro lớn nhất của tái cơ cấu ngân hàng là trì hoãn'

Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại VN, ông Deepak Mishra cho rằng, trong tiến trình tái cơ cấu, nếu không làm đúng thời điểm, các rủi ro vốn có sẽ được "phóng to", chi phí tái cơ cấu sẽ cao hơn.

- Ông nhận định thế nào về tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam?
Nhìn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam thì ngân hàng là câu chuyện lớn nhất và là một trong ba điểm quan trọng nhất. Các nhà đầu tư quốc tế tin rằng đây là hướng đi đúng. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cũng đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng về việc này, dù biết các bộ đang chuẩn bị hành động song chúng tôi chưa thấy nhiều hành động cụ thể. Chúng tôi chờ đợi chứng kiến những thay đổi quan trọng trong quý II này.
Hiện chúng tôi chưa có thông tin cụ thể và chính xác về việc tái cơ cấu 8-10 tổ chức tín dụng sẽ diễn ra thế nào nhưng các quan điểm đều cho rằng nó sẽ phải diễn ra. Chúng tôi không có thông tin đầy đủ nên thật khó để đánh giá rằng nó ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều hay ít. Chúng tôi mong đợi Chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa. Nhiều ngân hàng cần củng cố đang có quy mô lớn và câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả chi phí để tái cấp vốn các nhà băng đó.
Ảnh:
Ông Deepak Mishra- Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) tại VN.
- Rủi ro lớn nhất của việc này là gì, thưa ông?
- Rủi ro lớn nhất của tiến trình tái cơ cấu ngân hàng là sự trì hoãn. Nếu không tiến hành đúng thời điểm các rủi ro vốn có sẽ được “phóng to” lên và chi phí phải trả cho tái cơ cấu sẽ cao hơn. Chính vì thế điều đầu tiên cần thiết là sự kịp thời, cùng với kế hoạch hành động và các công cụ hiệu quả.
Chúng tôi nghĩ rằng việc tái cơ cấu đã bị trì hoãn đáng kể và thực tế chúng ta đã không biết nhiều về tình hình các ngân hàng từ các năm trước đó (2010, 2011). Thời gian và cơ hội có thể nói đã qua. Vì thế điều quan trọng là không thể để mất thêm thời gian và cơ hội nữa, cần làm ngay và trực tiếp.
Điểm thứ hai, chính là niềm tin của người dân. Cần một lộ trình rõ ràng, cần có kế hoạch đi tiếp để đảm bảo rằng việc tái cấu trúc các ngân hàng sẽ được thực hiện.
Hiện vẫn còn những lo ngại về ngành ngân hàng, chúng tôi cũng đang hy vọng tuy thực sự tôi thấy không có nhiều lựa chọn. Chúng tôi ủng hộ sự thay đổi cần thiết trong ngành ngân hàng và yêu cầu này chỉ được làm tốt hơn khi có sự thay đổi cụ thể, thiết thực và thể hiện sự cố gắng tiên quyết trong chính sách, hoặc không có gì.
- Ông có kinh nghiệm gì để tránh việc một số nhóm lợi ích có thể tác động vào tiến trình này?
- Tôi nghĩ điều chúng ta đã nghe thấy rằng các nhóm lợi ích có ảnh hưởng lớn, nó không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia khác, đặc biệt ở những nền kinh tế đang chuyển đổi. Ở đây cần xác định rõ: nếu lợi ích của nhóm lợi ích giống với lợi ích chung thì đó là điều tốt; còn nếu nhóm lợi ích xếp chung hàng với lợi ích cá nhân thì chúng ta cần một hệ thống luật lệ tốt, minh bạch hơn.
Tôi cho rằng, một trong những lợi ích lớn nhất của việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là qua đó Việt Nam có thể tìm thấy sự minh bạch hơn, đặc biệt khi người dân nhìn vào các dự án công, hợp đồng công, việc cấp giấy phép cũng như tất cả thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước. Sự minh bạch hóa sẽ gây khó khăn hơn cho các nhóm lợi ích trong việc thúc đẩy các hành động vì lợi ích riêng của họ.
- Việt Nam bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cách đây 25 năm, nhưng theo kết quả một cuộc điều tra gần đây của WB và VCCI, Ireland, số đông cho rằng tốc độ dịch chuyển đó chưa đủ nhanh so với kỳ vọng của người dân, ông có đồng tình?
- Sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn tất vì thế nền kinh tế vẫn nhỏ và tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước vẫn còn lớn trong nhiều lĩnh vực. Thị trường làm tốt nhất công việc của nó khi luật lệ tốt và luật lệ đó được duy trì một thời gian dài, chính vì thế mà Việt Nam vẫn tiếp tục chuyển động theo hướng thị trường, cải thiện chất lượng các cơ quan, bổ sung các chính sách mới.
Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, tỷ trọng kinh tế nhà nước đã giảm mạnh và tôi tin không ai muốn quay lại thời kỳ trước đó. Kết quả cuộc điều tra gần đây chúng tôi thực hiện đã chỉ ra rằng thị phần kinh tế nhà nước đã giảm, tỷ trọng của khu vực tư nhân, kinh tế nước ngoài mở rộng tuy nhiên không quá nhanh, chính vì thế cơ cấu thị phần của nền kinh tế không thay đổi nhiều (tức tỷ trọng kinh tế nhà nước vẫn cao).
Cũng trong cuộc điều tra này, một số người tin rằng dù kinh tế nhà nước đã giảm mạnh nhưng sự chi phối của nó vẫn rất lớn bởi một số lớn doanh nghiệp nhà nước lớn. Vì thế ảnh hưởng của kinh tế nhà nước có thể còn duy trì trong thời gian tới nhưng dù sao các bằng chứng cũng chỉ ra rằng nó đang giảm và có cải thiện.
- Một vài chuyên gia nói rằng, nếu không cẩn trọng thì Nhà nước cũng sẽ trở thành một rủi ro cho thị trường?
- Bởi vì Nhà nước có thể trở thành một chủ thể cạnh tranh “độc đoán” trên thị trường. Ở nhiều quốc gia, nhà nước có thể trở thành một chủ thể cạnh tranh trên thị trường với điều kiện khung pháp lý cần đầy đủ mà trong đó nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài cùng được vận hành dưới một luật lệ bình đẳng. Nhưng vẫn phải nói lại rằng khu vực tư nhân không phải là mối đe dọa với nền kinh tế.
- 2012 được dự báo cũng là năm sóng gió của kinh tế Việt Nam, đến thời điểm này ông dự báo thế nào về tăng trưởng của Việt Nam?
- Tôi không biết 2012 có thể gọi là năm sóng gió hay không nhưng tôi nghĩ nó không sóng gió như 2011, năm thực sự nhiều khó khăn với Việt Nam đặc biệt trong quý I, dự trữ ngoại hối đã giảm và lãi suất tăng mạnh.
Tôi vẫn tin tưởng rằng 2012 sẽ tốt hơn. Tất nhiên các thách thức mới vẫn còn như tăng trưởng giảm, các ngân hàng và thị trường bất động sản khó khăn, và chúng ta không biết sự khó khăn của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng thế nào.
WB tin tưởng rằng GDP của Việt Nam năm nay ít nhất bằng năm ngoái (GDP năm 2011 tăng 5,89%), sẽ từ 5,5% đến 6%.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét